Chúng ta thích game bắn súng, đơn giản vì bản năng con người tác động

Chúng ta thích game bắn súng, đơn giản vì bản năng con người tác động
Mùa thu năm 92, John Carmack cố gắng xây dựng ý tưởng cho trò chơi của mình tạo ra ở Mesquite, Texas. Trong đầu ông hình dung, nó sẽ kết hợp thế giới góc nhìn thứ nhất của Myst, với cơ chế bắn súng của Wolfenstein 3D, cùng khả năng chơi mạng nhiều người của Spectre. Ông muốn tạo ra một môi trường thế giới ảo 3D chân thực hơn bất kỳ trò chơi nào trước đó. Năm 93, ông cùng 5 người đồng nghiệp tại id Software phát hành tác phẩm đó: Doom.

Tinhte_Game1.jpg


Họ ngay lập tức biết rằng mình vừa tạo ra một thứ gì đó đặc biệt. “Chúng tôi để ý người lau dọn đến dọn rác ngồi đó, mắt dán chặt vào màn hình rất lâu,” Carmack chia sẻ với tạp chí Time. Đến tháng 8/1996, Doom bán được 2 triệu bản, Wired khi ấy gọi nó là “trò chơi máy tính nổi tiếng nhất mọi thời đại”, và thậm chí còn khởi đầu cho cả một thể loại game hành động riêng, tạm gọi là “Doom clone”. Dù rằng phải thừa nhận, Doom không phải trò chơi đầu tiên thuộc thể loại bắn súng, nhưng nó đã tạo cảm hứng cho rất nhiều trò chơi về sau học tập.

Vậy làm cách nào game bắn súng lại được con người yêu thích đến như vậy? Theo cách nghĩ của các nhà tâm lý học, nếu chỉ kể tới những lý do như thế giới ảo cuốn hút, góc nhìn thứ nhất, tính bạo lực trong từng màn chơi hay cảm giác rời xa thế giới thực trong vài tiếng đồng hồ đều là chưa đủ. Giờ game nào ra mắt cũng có vài tiêu chí kể trên. Nhưng game bắn súng lại kết hợp chúng lại với nhau theo một cách rất riêng, tạo ra một thế giới ảo giúp tối đa hóa khả năng của mỗi người chơi, giúp họ có được trạng thái gọi là “flow”, theo lời nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi của đại học Chicago. Theo ông, “flow” là cảm giác một con người chìm đắm hoàn toàn vào thế giới ảo, và cảm thấy hạnh phúc tột độ vì điều đó.

Tinhte_Game2.jpg


Ông viết: “Flow là một dạng cảm xúc sau khi một người cảm nhận được sự vui nhộn và thú vị khi thưởng thức một thứ gì đó và hoàn toàn bị chìm vào nó.” Nói cách khác, đó là lúc con người quên đi cuộc sống thật và chìm đắm vào câu chuyện của nhân vật ảo trong game. Theo ông Csikszentmihalyi, cảm giác flow rất dễ xảy ra khi một người thưởng thức một trận cờ vua, một ván bài, hay một chuyến hiking lên núi. Không dễ có được cảm giác ‘flow’, con người phải thật sự tập trung vào đó, phải bỏ ra cả tư duy lẫn kỹ năng của bản thân, và thứ tạo ra ‘flow’ cũng phải có thử thách tương đối để khiến con người đủ tập trung vào chúng. Khi đạt được trạng thái này, bản ngã con người bị nuốt trọn bởi trò chơi, và người chơi có cảm giác được kiểm soát mọi thứ. Chính cảm giác này là thứ khiến cho chúng ta quay trở lại với thứ tạo ra ‘flow’, cho dù nó là đánh cờ, chơi game, hay gì đi chăng nữa.

Và hóa ra, game bắn súng tạo ra được đúng cảm giác đó. Lennart Nacke, giám đốc Phòng nghiên cứu game và giải trí tương tác thuộc học viện công nghệ, đại học Ontario nói thế này: “Game về cơ bản là thứ bắt con người đưa ra quyết định. Game bắn súng, vì lý do phản xạ, bắt người chơi phải đưa ra quyết định thật nhanh và chuẩn xác. Một quyết định đơn giản đáng lẽ ra bạn có cả tiếng đồng hồ để nghĩ về nó, thì trong game bắn súng, bạn phải nghĩ, quyết định và thực hiện quyết định đó trong một phần lẻ của một giây.” Game càng chân thực, càng có đồ họa đẹp và cốt truyện ấn tượng, anh em càng dễ đắm mình vào thế giới ảo.

Tinhte_Game3.jpg


Csikszentmihalyi và Nacke sau đó thực hiện một nghiên cứu và kết quả của nó chỉ ra rằng, những trò chơi thể loại khác, như nhập vai hay casual, hoàn toàn không tạo ra được cảm giác ‘flow’ sâu được như game bắn súng. Nhưng bên cạnh cảm giác bị cuốn vào một trò chơi vì tính chân thực và ấn tượng của nó, thì nhiều nhà tâm lý học khác lại cho rằng, con người thích chơi game bắn súng đơn giản vì bản năng của chúng ta thôi thúc.

Ý tưởng bắn một viên đạn để kết liễu người chơi khác trong thế giới ảo kỳ thực bắt nguồn song hành cùng với sự phát triển của trò chơi điện tử cả nửa thế kỷ trước. Bằng chứng là Spacewar! (1962), tác phẩm được coi là video game đầu tiên có cách chơi y hệt như vậy. Hai người chơi sẽ điều khiển phi thuyền và cố hạ gục nhau. Call of Duty: Modern Warfare dù có đồ họa chân thực đến đâu đi chăng nữa, thì suy cho cùng, mục đích của nó giống hệt như Spacewar!, hạ gục đối phương, dù đó là đối thủ máy hay người chơi ở đội bên kia, chỉ là cảm giác chân thực hơn (rất nhiều so với) hai con tàu được vẽ bằng đồ họa vector hiện trên màn hình như hai hình tam giác mà thôi.

Tinhte_Game4.jpg


Nhà xã hội học Ross Haenfler nói thế này: “Bản năng người đàn ông đòi hỏi họ phải sẵn sàng chiến đấu.” Không phải ngẫu nhiên mà tuyệt đại đa số người chơi game bắn súng đều là nam giới. Những cuộc nghiên cứu tâm lý học và xã hội học đều chỉ ra rằng, những chàng trai trẻ hay những người đàn ông trưởng thành đều có tâm lý bị thôi thúc phải chứng tỏ bản thân. “Rất khó để người đàn ông sống đúng với hình ảnh lý tưởng mà họ tưởng tượng ra trong đầu. Trò chơi điện tử giúp họ tạo ra một môi trường ảo nơi bạo lực ảo không đem lại bất kỳ hậu quả tồi tệ nào.”

Lấy ví dụ đơn giản, như trong Call of Duty, Medal of Honor hay Ghost Recon Wildlands, người chơi đóng vai những chiến binh dũng cảm nhất, sẵn sàng lao vào lửa đạn để chiến đấu cho thứ mà họ tin tưởng. Tâm lý của những chiến binh có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất, giống hệt như những gamer trong môi trường multiplayer qua mạng internet vậy, họ rất ăn thua. Thêm nữa, chẳng thiếu những chàng trai mộng tưởng mình là một chiến binh kỳ cựu, phải thừa nhận là hình ảnh rất ngầu nhưng ngoài đời thật liệu được mấy ai phấn đấu để đạt được đúng hình ảnh người lính ấy? Scott Rigby, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường game Immersyve cho rằng: “Người chơi muốn cảm nhận được rằng họ đang đi theo con đường của một người lính.” Cảm giác muốn được làm chủ bản thân, làm chủ những hành động của mình là một hình thái nhu cầu tâm lý quan trọng chẳng kém gì cảm giác đói hay buồn ngủ, vốn rất bản năng.

Tinhte_Game5.jpg


Đến đây, sẽ có người cho rằng, game nhập vai cũng tạo ra cảm giác chìm đắm theo nhân vật, chìm vào thế giới ảo tương tự. Nhưng game nhập vai lại có quá nhiều rào cản như chỉ số nhân vật, đồ đạc trang bị hay cơ chế chiến đấu. Còn game bắn súng, giống hệt như cái tên của nó, ai cũng có thể chơi được, chỉ cần cầm chuột và bấm nút khi đối thủ đứng trong hồng tâm của họ. Chính sự dễ tiếp cận đó, kết hợp với cảm giác ‘flow’ và sự thỏa mãn những bản năng sâu thẳm nhất trong mỗi người đàn ông đã khiến game bắn súng trở nên phổ biến và được nhiều người yêu mến đến vậy.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận