Bạn có thấy: Điểm chung của những người thành công là đã từng rất khó khăn, đều đã có vấp ngã, đều đã từng thất bại lớn. Nhưng họ tiếp nhận những sự kiện đó theo cách của người thành công. Và họ biết sẽ không có con đường thành công nào hoàn hảo như trò xếp hình Lego.
Thành công của những cô bé cậu bé
Bạn đã từng là những cô bé cậu bé như trong bức ảnh bên dưới. Và bạn có thể đã từng lớn lên cùng với những mảnh nhựa ghép đủ màu sắc của hãng đồ chơi Lego.
Lego ra đời từ một xưởng mộc bình dân tại ngôi làng Billund, Đan Mạch năm 1932. Trải qua 80 năm, Lego trở thành nhà sản xuất đồ chơi lớn thứ 3 thế giới. Lego đã tham gia vào quá trình phát triển óc sáng tạo của các nhóc tì tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lego là một hiện tượng toàn cầu. Lego là bạn rất thân của “bọn răng sữa” !
Hãy nhìn những dòng chữ bodycopy nhỏ ở phía trái. Lego đối thoại với quý phụ huynh bằng giọng rất hồ hởi:
“Bạn có thấy bất cứ thứ gì như thế này chưa? Không chỉ bởi thứ mà cô bé đã làm được, mà còn vì niềm tự hào mà đồ chơi xếp hình đã mang đến cho cháu. Đây là gương mặt mà bạn sẽ thấy bất cứ khi nào chính tay bọn trẻ làm được thứ gì đó. Bất kể thứ gì bọn trẻ đã tạo ra.
Bộ đồ chơi Lego giúp các cháu khám phá ra điều vô cùng đặc biệt: “chính bản thân các cháu.”
Nhưng Lego lại chưa làm hài lòng quý phụ huynh. Thứ mà phụ huynh cần (insight của bậc cha mẹ) chính là sự hoàn hảo. Perfect, perfect, phải là perfect! Phụ huynh không muốn nhìn thấy những thanh nhựa rơi vãi dưới nền nhà. Và họ cũng không thích khi bọn trẻ làm ra 1 thứ không thể định nghĩa được (Con đang xếp cái gì thế, huh?).
Và khi Lego làm phật lòng quý phụ huynh, Lego đã bị dính “thiết sa chưởng”. Doanh số của hãng này đã khựng lại. Cho đến khi Lego phát hiện ra được insight “thích hoàn hảo” của cha mẹ các bé, thì Lego mới tìm lại được nhịp đập của chính mình.
Kể từ khi phát hiện ra insight này, Lego không sản xuất những bộ đồ chơi all-purpose nữa. All-purpose là những bộ đồ chơi mà bọn trẻ có thể xếp bất cứ thứ gì chúng có thể tưởng tượng được, và vì thế sẽ có rất nhiều thanh nhựa rơi vãi, hình thù không theo tiêu chuẩn nào.
Ngày nay, bạn chỉ có thể tìm thấy những bộ Lego xếp theo một hình đã định trước. Bạn có thể tìm được những hướng dẫn xếp hình trong bộ đồ chơi Lego hoặc nếu mất đi thì cũng chẳng sao cả, vì Lego đã mang tất cả lên trang Lego Building Instructions. Bạn chỉ việc điền vào mã số bộ đồ chơi, thế là có ngay file hướng dẫn.
Và kết quả: Ông bố bà mẹ nhìn con mình xếp xong bộ đồ chơi hoàn hảo như mơ. Không một mảnh Lego nào thừa thải. Giống y như trong hình. Bọn trẻ sướng như điên. Người lớn cũng “ưng cái bụng”. Cục cưng giỏi quá. Bẹo má một cái! Hãng Lego cũng hết hoảng hồn vì cú “thiết sa chưởng” của quý phụ huynh. Nhờ phát hiện đúng insight, doanh số hãng Lego đã hết chững lại mà tăng vèo vèo qua các năm.
Xếp xong bộ Lego đã là thành công lớn của bọn nhóc tì. Đó là cách bọn trẻ tìm thấy niềm vui. Bây giờ, chúng ta hãy nói về “niềm vui” của… người lớn.
Thành công của người lớn
Có bao giờ bạn tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Trong đời sống kinh doanh, liệu có cách thành công nào hoàn hảo, được “vẽ đường” từ trước như trò chơi xếp hình Lego hay không?
Bạn có thân quen với những con người này không? Đời làm kinh doanh của họ có thể hé lộ cho bạn biết câu trả lời.
– Đoàn Hồng Việt (CEO Digiworld)
– Đặng Lê Nguyên Vũ (Chairman TrungNguyen)
– Lê Trung Thành (Former VP Pepsico VN, CEO FTG)
– Đoàn Sĩ Hiền (Chairman IAM, Vice Chairman MerapGroup)
Tất cả những con người trên tuy khác nhau về vị trí, nhưng họ có điểm giống nhau: đã từng là những đứa trẻ. Họ cũng đã từng học ê a từng chữ cái, cũng từng khóc tồ tồ khi bị ai đó giật mất đồ chơi, nhưng khi họ lớn lên, họ thay đổi, họ làm việc, kinh doanh và họ thành đạt hơn nhiều người. Họ được sinh ra không phải tự nhiên lấp vào vị trí của Chairman hay CEO. Họ không được đặc ân đó. Nhưng họ đã làm được.
Hành trang cuộc đời sự nghiệp của họ đã từng có những thứ này:
– Đoàn Hồng Việt: từng thất bại nhiều lần trong việc mở rộng danh mục kinh doanh.
– Đặng Lê Nguyên Vũ: từng khó khăn không kiếm nổi 2 triệu đồng chữa bệnh cho cha mình.
– Lê Trung Thành: từng đốt sạch 3 triệu đô khi tung không thành công sản phẩm nhuộm tóc Sunsilk.
– Đoàn Sĩ Hiền: từng giảm quy mô doanh nghiệp do mình sáng lập trong cơn khủng hoảng kinh tế.
Bạn có thấy: Điểm chung của những người thành công là đã từng rất khó khăn, đều đã có vấp ngã, đều đã từng thất bại lớn. Nhưng họ tiếp nhận những sự kiện đó theo cách của người thành công. Và họ biết sẽ không có con đường thành công nào hoàn hảo như trò xếp hình Lego.
Người thành công không khóc tồ tồ khi thất bại. Người thành công không co rúm người lại khi vấp ngã. Người thành công phản ứng theo một cách khác. Họ nghĩ lại họ đã làm sai điều gì. Và họ sẽ thừa nhận sai lầm, không lảng tránh. Họ sẽ thu nắm tay lại thật chặt đến mức muốn cứa đứt da thịt mình. Và rồi họ đứng lên, làm lại một lần nữa.

Người thành công biết thất bại chỉ khiến họ khao khát thành công hơn. Thất bại tạm thời, với người thành công, cũng chỉ là những giọt đắng cho vị thành công thêm nồng. Nhưng có quá nhiều người lớn không tự trang bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đón nhận thất bại. Họ sợ thất bại đến mức không dám làm gì. Họ muốn có một “lý lịch cuộc đời” đẹp, không tì vết, không gục ngã lần nào. Nhưng muốn thành công lớn, muốn đứng lên đỉnh Olympia thì làm sao bàn chân lại không thấm đau vì những mũi gai ?